Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu, góp phần đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Ngày đăng :24/11/2017

TCCS - Sự tha hóa, suy thoái từ trong nội bộ, từ những cán bộ, công chức là yếu tố nguy hiểm, khó lường, nó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, nhiệm vụ bức thiết hiện nay là ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó, cần chú trọng áp dụng pháp luật để điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

1. Hiện nay, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn là nguy cơ mà là thực tế đáng lo ngại đã được Đảng ta nhận diện và coi là một thách thức lớn trong quá trình phát triển đất nước. Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã thẳng thắn chỉ rõ những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng ta thời gian qua.

Hệ thống các biểu hiện được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TW là những căn cứ quan trọng để từng cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nhận diện một cách nghiêm túc với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Cùng với đó, Trung ương cũng xác định 4 nhóm giải pháp hết sức toàn diện, bảo đảm tính thống nhất, khoa học và có mối quan hệ biện chứng trong triển khai thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên, từng chi bộ, từng địa phương, cơ quan, đơn vị tự soi mình trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tự xem xét, đánh giá, thấy được “một bộ phận không nhỏ” rơi vào các biểu hiện đó là có thật; từ đó, quyết tâm thực hiện bằng được 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Trung ương đã đề ra.

Về bản chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một quá trình suy thoái từ bên trong dưới sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Thêm vào đó là sự suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, xa rời lý tưởng, sa vào lối sống thực dụng, sùng bái lợi ích vật chất, quyền lực và lợi ích nhóm. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên có thể diễn ra với các mức độ và biểu hiện cụ thể khác nhau.

Thực tế cho thấy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm cho bản thân đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người có chức quyền không còn giữ được lý tưởng bản chất cách mạng, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong cấp ủy cơ quan, đơn vị có biểu hiện tha hóa, lười nhác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, công thì nhận nhưng khi sai phạm thì lại không dám chịu trách nhiệm. Có những trường hợp cán bộ, đảng viên nhiều năm liền là “Chiến sĩ thi đua”, nhưng thực sự lại không có được những đóng góp hữu ích gì cho tập thể; hay có những cán bộ, đảng viên có thái độ và biểu hiện lười nhác, đi muộn về sớm, đến cơ quan chỉ để lợi dụng cơ sở vật chất của cơ quan để mưu cầu cho cá nhân như sử dụng điện thoại, phương tiện của cơ quan để làm việc cá nhân. Với “kiểu” cán bộ lãnh đạo, đảng viên như vậy sẽ làm cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị nảy sinh tâm lý chán nản, không còn tâm huyết với công việc, làm việc theo kiểu đối phó với lãnh đạo... Tình trạng này nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng như làm mất đi uy tín, danh dự và làm giảm niềm tin của nhân dân... Thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ nguy hiểm của nó đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là nhận thức sâu sắc về những thách thức, nhận diện đúng những biểu hiện để đề ra các giải pháp phù hợp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân.

Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả và thực chất, trước tiên đòi hỏi cần “tăng cường trách nhiệm của cấp ủy”, nhất là cấp ủy cơ sở, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kết hợp giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả. Trong đó, áp dụng pháp luật, thực hiện nghiêm quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu là một giải pháp quan trọng.

2. Liên quan đến vấn đề đấu tranh với thực trạng suy thoái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ về quyền, nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, mà tập trung và trực tiếp nhất là Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Thứ nhất, cần thực hiện tốt các quy định pháp luật về khen thưởng cán bộ, công chức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; kỷ luật, truy cứu trách nhiệm và buộc bồi thường thiệt hại đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cán bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Cán bộ, công chức được khen thưởng do có thành tích xuất sắc hoặc công trạng thì được nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu. Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sáng kiến, thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện, ngăn chặn hành vi gây lãng phí ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên thì được khen thưởng.

Việc kỷ luật, truy cứu trách nhiệm và buộc bồi thường thiệt hại đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm. Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc. Công chức vi phạm quy định pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. Công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 6 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012), người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này gây lãng phí thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị xử phạt vi phạm hành chính theo các hình thức sau đây: cảnh cáo; phạt tiền tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm. Ngoài các hình thức xử phạt quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, thực hiện nghiêm những quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Một là, trách nhiệm tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc theo đề nghị của người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra và viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng, người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng. Hủy bỏ quyết định và thông báo công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác và khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Hai là, trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý.

Đối với người đứng đầu và cá nhân khác có trách nhiệm trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng ngân sách nhà nước và để xảy ra hành vi tham nhũng thì được xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và điều lệ, quy chế của tổ chức đó. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp họ không thể biết được hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Ba là, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.

Kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng cần phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ: yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho người có hành vi tham nhũng. Kết luận, báo cáo phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật khác liên quan đến hành vi của cán bộ, công chức. Cụ thể, cán bộ, công chức có những hành vi vi phạm như cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước bị phạt đến mười lăm năm tù; vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất tài liệu bí mật nhà nước bị phạt đến bảy năm tù; tham ô tài sản bị phạt đến tử hình; nhận hối lộ bị phạt đến tử hình; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản bị phạt đến tù chung thân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bị phạt đến mười lăm năm tù; lạm quyền trong khi thi hành công vụ bị phạt đến hai mươi năm tù; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi bị phạt đến tù chung thân; giả mạo trong công tác bị phạt đến hai mươi năm tù; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt đến mười hai năm tù; cố ý làm lộ bí mật công tác, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác bị phạt đến bảy năm tù; vô ý làm lộ bí mật công tác, làm mất tài liệu bí mật công tác bị phạt đến hai năm tù; đưa hối lộ bị phạt đến tù chung thân; làm môi giới hối lộ bị phạt đến hai mươi năm tù; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi bị phạt đến mười năm tù...

Trong đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, bên cạnh các giải pháp về chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, cần chú trọng giải pháp hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người đứng đầu; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm./.

Trần Thị Diệu OanhTS, Học viện Hành chính quốc gia

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/xay-dung-dang/2017/47569/Thuc-hien-nghiem-quy-dinh-phap-luat-ve-trach-nhiem-nguoi-dung.aspx

 

Người đăng: