Vận dụng tư tưởng Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay

Ngày đăng :24/11/2017

Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Ban THường vụ Quận Đoàn Thủ Đức giới thiệu đến cơ sở Đoàn chuyên đề: “Vận dụng tư tưởng Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay” của PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết. 

———-

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà tư tưởng đặc biệt quan tâm đến  đạo đức. Bằng câu nói“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, Người đã định nghĩa về Đảng dưới góc độ đạo đức và văn hóa, coi đạo đức là đặc trưng bản chất hàng đầu của Đảng. Mặt khác, thấu hiểu “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà củng cố và phát triển”[1] nên Người rất kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Điều đáng chú ý là trong các phẩm chất đạo đức cần có của người cách mạng thì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những phẩm chất được Người nói đến nhiều nhất. Bằng lời nói cũng như hành động, Người không chỉ luận giải sâu sắc về “tứ đức” của người cách mạng mà còn là biểu hiện ngời sáng của những phẩm chất cao quý đó. Chủ trương xây dựng Đảng về phương diện đạo đức do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra đòi hỏi chúng ta phải thấu hiểu và ra sức thực hành tư tưởng Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

  1. Chiều sâutrong tư tưởng Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Là một nhà macxit nhưng rất am tường về Nho giáo, Hồ Chí Minh đã dùng các phạm trù đạo đức Nho giáo như Cần, Kiệm, Liêm, Chính để nói về đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, năng lực cách tân đã làm tư tưởng của Người có những nét đặc sắc sau đây.

Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan điểm mới hoặc mở rộng nội hàm của các khái niệm cũ.  

Khi nói về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh nói đến CẦN nhiều nhất và trước hết bởi sự siêng năng, cần cù là nguồn gốc của văn minh và tiến bộ xã hội. Đã bao đời nay nhân loại nói về sự cần cù, siêng năng nhưng chữ CẦN của Hồ Chí Minh có nội dung mới. Nếu người xưa chỉ chú trọng sự cần cù trong lao động sản xuất và trong học tập thì Hồ Chí Minh cho rằng chúng ta còn phải cần cù, kiên trì cả trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Khi Người nói “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa” thì đó chính là sắc thái mới của chữ Cần trong thời đại chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

Chữ KIỆM của Hồ Chí Minh cũng hết sức mới mẻ. Nếu trong văn hóa truyền thống, Kiệm là hà tiện, căn cơ để làm giàu (“Buôn thuyền bán bè không bằng ăn dè, hà tiện”) thì với Hồ Chí Minh, Kiệmkhông phải là bủn xỉn, hà tiện mà là chi tiêu thật hợp lý để làm lợi cho dân. Đặc biệt hơn nữa, Hồ Chí Minh đã mở rộng tối đa nội dung của Kiệm. Đó không chỉ là tiết kiệm của cải, vật chất mà còn là kiệm thời gian, kiệmsức dânkiệm nhân tài, chất xám. Một thứ kiệm nữa mà Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh là kiệm xương máu của nhân dân. Với lòng yêu thương con người, khi buộc phải tiến hành các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Người yêu cầu phải đánh sao cho sự tổn hại ở mức thấp nhất chứ không thể “nhất tướng công thành vạn xác khô”. Cuối cùng, Kiệm đối với Hồ Chí Minh còn là kiệm lời theo phương châm “nói ít, bắt đầu bằng hành động”[2].

Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan điểm mới về đức LIÊM. Nếu trong ngũ thường của Nho giáo (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) không có đức Liêm thì với Hồ Chí Minh, Liêm – tức là liêm khiết, không tham lam, vơ vét của công và của dân – là một phẩm chất không thể thiếu của người cách mạng. Từ lúc Đảng chưa ra đời, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã yêu cầu người cách mạng phải “ít lòng ham muốn về vật chất”. Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền thì chữ Liêm càng quan trọng vì nếu thiếu nó thì cán bộ “biến thành sâu mọt của dân”[3]. Chẳng vậy mà sau cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết[4].

Phẩm chất cuối cùng trong tứ đức của Hồ Chí Minh là đức CHÍNH. Trong ngũ thường của Nho giáo không có đức CHÍNH nhưng Hồ Chí Minh lại luôn yêu cầu người cán bộ phải “chính tâm và thân dân”. Người có đức Chính là người thẳng thắn, đúng mực không chỉ trong hành động mà ngay cả trong suy nghĩ thầm kín của mình mà người xưa gọi là “tư vô tà”. Đặc biệt, người đó phải biết bảo vệ lẽ phải, phụng sự lẽ phải mà với Hồ Chí Minh, lẽ phải lớn nhất, chân lý lớn nhất là lợi ích của dân nên người có đức Chính phải là người “vì dân chứ không vì mình”. Như vậy, Hồ Chí Minh đã thổi linh hồn mới vào những khái niệm cũ.

Thứ hai,  Hồ Chí Minh có cái nhìn hết sức toàn diện về tầm quan trọng của “tứ đức”.

Người luôn nhấn mạnh: Khi Đảng ta là đảng cầm quyền thì đạo đức của mỗi đảng viên không còn là vấn đề tư đức mà gắn với đó là uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân. Nếu cán bộ không cần, kiệm, liêm, chính “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời”[5]. Vì thế, thực hiện cần, kiệm,liêm, chính không đơn thuần là việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn là biện pháp quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh còn coi việc thực hành tứ đức sẽ tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn  của một dân tộc. Câu nói của Người “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”[6] đã thể hiện điều đó.

Thứ ba, Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về đối tượng thực hành đạo đức.

Nếu xưa kia giai cấp phong kiến nêu ra cần, kiệm, liêm, chính để bắt nhân dân tuân theo thì nay, Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả mọi người đều phải rèn luyện tứ đức nhưng cán bộ phải đi đầu để làm gương. Người nói rõ: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”[7]. Ngoài việc phải làm mực thước để nhân dân bắt chước, Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục tứ đức cho nhân dân. Nếu không làm được điều đó thì dù cá nhân anh ta có chăm chỉ bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu, liêm chính bao nhiêu vẫn chỉ là người “cần, kiệm, liêm, chính một nửa”. Quan điểm này đã thể hiện lòng tin yêu cán bộ và phong cách nêu gương của bậc hiền triết Á Đông.

Thứ tư, Hồ Chí Minh đã đưa ra hệ thống giải pháp phong phú, hữu hiệu để rèn luyện tứ đức.

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng thực tiễn nên Người luôn quan tâm đến vấn đề phương pháp. Theo Hồ Chí Minh, để tu dưỡng đức CẦN thì con người phải học cách làm việc bền bỉ, dẻo dai, sáng tạo, có kế hoạch và phải ra sức chống lại sự lười biếng cũng như căn bệnh “lửa rơm” trong con người mình.

Để thực hành đức Kiệm, Hồ Chí Minh yêu cầu toàn Đảng, toàn dân phải kiên quyết chống lãng phí .Người rất sâu sắc khi cho rằng “lãng phí còn có hại hơn tham ô”[8] bởi chỉ những người có chức có quyền mới có thể tham ô nhưng ai cũng có thể lãng phí rất nhiều thứ. Người cũng kịch liệt phê phán những người có ý nghĩ “ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi” và coi thái độ thờ ơ đó đã tiếp tay cho đại dịch lãng phí.

Để cán bộ có được đức Liêm thì Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải làm tốt công tác tuyên truyền và kiểm soát, phải không ngừng nâng cao dân trí vì “quan tham bởi vì dân dại” và pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm.

Hệ thống giải pháp đúng đắn, chính xác của Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm xây dựng nền đạo đức mới – đạo đức cách mạng của Người bởi chỉ khi thực sự quyết tâm, con người mới tìm ra giải pháp, còn nếu không, họ chỉ tìm ra lý do để chối bỏ hành động.

Thứ năm, Hồ Chí Minh hết sức sâu sắc khi phân tích mối quan hệ giữa 4 phẩm chất Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Coi tứ đức là những phẩm chất căn cốt của người cách mạng nhưng Hồ Chí Minh đã xếp đặt các phẩm chất đó theo một trật tự rất hợp lý. Người đã đặt chữ Cần lên trên hết. Điều này hoàn toàn đúng bởi cócần mới có cái để kiệm và có cần mới biết kiệm; có kiệm mới có thể liêm; có liêm mới có thể chính. Chẳng vậy mà  Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ: “Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được”[9]. Ngược lại, nếu khôngcần sẽ không biết trân quý thành quả lao động, sẽ hoang phí, xa hoa. Mà đã xa hoa, ăn chơi hưởng lạc thì phải làm chuyện bất liêm, bất chính.

Điều sâu sắc còn nằm ở chỗ: Hồ Chí Minh coi CHÍNH vừa là hệ quả của cần, kiệm, liêm, vừa có tính độc lập tương đối vì một người dù có đủ 3 đức là cần, kiệm, liêm nhưng lại có thái độ “mũ ni che tai”, không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác đang hiện hữu thì vẫn không được gọi là người CHÍNH. ĐứcChính đòi hỏi ở con người sự dũng cảm, lòng trung thực nên chỉ ai có đức CHÍNH “mới là người hoàn toàn”.

Tóm lại, CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH là những phẩm chất cốt lõi của con người nên bao đời nay người ta đã nói nhiều về nó. Nhưng Hồ Chí Minh đã bàn về Cần, Kiệm, Liêm, Chính một cách hệ thống nhất, sâu sắc nhất, mới mẻ nhất, nhân văn nhất. Đáng nói hơn nữa là Hồ Chí Minh không chỉ nói nhiều, nói hay về tứ đức mà còn là biểu hiện ngời sáng của những phẩm chất cao quý đó.

  1. Rèn luyện đạo đức cán bộ theo tư tưởng Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

30 năm Đổi mới đã làm đất nước “thay da, đổi thịt” nhưng sự phát triển về kinh tế đã không song song với việc xây dựng đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Kết quả là trong Đảng đã diễn ra sự suy thoái đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Điều này hết sức nguy hiểm, bởi sự suy thoái về đạo sẽ dẫn đến suy thoái về chính trị, làm cho đảng viên của Đảng âm thầm thực hiện “tự diễn biến” trước khi kẻ thù thực hiện “diễn biến”. Hơn nữa, sự suy thoái về đạo đức còn làm cho công cuộc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức không thể thực hiện.

Ý thức về nguy cơ đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ phảixây dựng Đảng về đạo đức. Khi tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng ta thì quan điểm của Hồ Chí Minh về Cần, Kiêm, Liêm, Chính đã gợi mở cho chúng ta một số giải pháp chính sau đây.

Thứ nhất, Đảng phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bằng mọi cách phải nhen lên trong họ khát vọng cao cả, giúp họ nhận ra rằng “sinh hoạt vật chất, hết thời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời sau”[10]. Cũng phải giúp cán bộ nhận ra rằng nếu người cán bộ giữ được đạo đức thì chính họ, con cái họ, gia đình họ mới được hưởng “phúc phận” lâu bền. Ngược lại, nếu làm những việc phi pháp “khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng”[11].

Thứ hai,  toàn Đảng phải thực hiện tốt chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo hướng cụ thể hóa,“thời sự hóa” các chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính vào hoàn cảnh hiện nay.

Giải pháp này rất quan trọng vì phần lớn cán bộ, đảng viên đều nhận ra giá trị to lớn trong đạo đức Hồ Chí Minh nhưng lại khá lúng túng trong việc “chuyển thể” những phẩm chất đó vào thực tiễn. Do đạo đức là một phạm trù lịch sử, nó vừa biến đổi cùng thời đại, vừa giữ lại những đặc tính vĩnh hằng nên thiết tưởng chúng ta có thể vận dụng tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính của Hồ Chí Minh theo các hướng sau đây:

Học chữ CẦN của Hồ Chí Minh thì cán bộ, đảng viên vừa phải siêng năng làm việc vừa phải chú trọng năng suất và chất lượng công việc. Tính hiệu quả mới là thước đo sự cần cù của mỗi con người chứ “ăn cơm chúa, múa tối ngày” một cách thụ động chưa phải là Cần. Cán bộ cũng phải noi theo tấm gương tự học suốt đời của Hồ Chí Minh – một người chỉ có bằng Tiểu học, 17 tuổi mới nhìn thấy điện đầu tiên, 29 tuổi mới được nghe radiô[12] mà đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Với người cán bộ, cần học và cần chính hòa quyện làm một. Học để làm gương cho dân và để có đủ tri thức, kỹ năng phục vụ nhân dân.

Học chữ KIỆM của Hồ Chí Minh thì người cán bộ phải có ý thức tiết kiệm từ việc lớn đến việc nhỏ; phải hết sức tránh mọi sự xa hoa, hình thức, căn bệnh “phú quý sinh lễ nghĩa” và tư tưởng “nước sông, công lính”. Cán bộ cũng phải biết tổ chức công việc hợp lý để khỏi lãng phí thời gian và nhân lực; phải thực hiện phương châm “nói ít làm nhiều”, chủ yếu là hành động.

Học chữ LIÊM của Hồ Chí Minh thì cán bộ nhất thiết phải “nói không với tham nhũng” và kiên quyết chống tham nhũng. Muốn vậy thì trước hết chúng ta phải nhớ rằng: Hồ Chí Minh gọi tham ô là “giặc nội xâm”. Bây giờ chúng ta chỉ gọi là “quốc nạn”. Hai cách gọi khác nhau đã thể hiện hai mức độ phản ứng khác nhau. Chống  “giặc” thì nguy cấp và phải kiên quyết hơn nhiều so với chống “nạn”. Phải chăng là chúng ta chưa đủ kiên quyết, mới “đánh ví dụ”, mới “bắn chỉ thiên” nên càng đánh thì tình trạng tham nhũng lại “ngày càng ổn định và đi vào chiều sâu”?

Thực hiện chữ CHÍNH của Hồ Chí Minh thì người cán bộ phải có thái độ rõ ràng trước cái thiện và cái ác, phải có dũng khí để bảo vệ cái tốt, lên án cái xấu. Hiện nay công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ có rất nhiều vấn đề nên cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống lại căn bệnh “cánh hẩu”, “con ông cháu cha”, dùng người nhà chứ không dùng người tài ở cơ quan và địa phương mình. Không phải vô tình mà Luật Hồi Tỵ của thời phong kiến đã quy định: Những người thân như anh em, cha con, thầy trò… không được làm quan ở cùng một chỗ. Sinh thời, Hồ Chí Minh thường phê phán loại người hay xu nịnh, “theo gió bẻ buồm”, mất hết cả khí khái và lòng tự trọng nên học chữ CHÍNH của Hồ Chí Minh thì cán bộ phải đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Thứ ba, phải nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Văn hóa phương Đông luôn đề cao lý tưởng “vua sáng, tôi hiền”, niềm tin của cán bộ, nhân dân vào chính thể luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu nên việc chỉnh đốn đạo đức trong Đảng không thể tách rời việc đề cao trách nhiệm của người “cầm cân, nảy mực”. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng đề ra nguyên tắc thực hiện là “trên trước, dưới sau”. Tất cả đều đòi hỏi người đứng đầu phải làm gương cả trong công việc lẫn đời tư. Mặt khác, nếu người đứng đầu không công minh, chính trực thì mọi quy trình, nguyên tắc đều trở nên vô giá trị hoặc bị bóp méo. Điều này cũng hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, muốn người đứng đầu làm tốt bổn phận của mình thì phải cụ thể hóa các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của họ cũng như phải tăng cường sự giám sát quyền lực.

Thứ tư, phải siết chặt kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính và làm tốt công tác thanh tra. Chúng ta phải nhận thức rõ: Siết chặt kỷ luật trong Đảng không phải là kỷ luật thật nhiều đảng viên mà chủ yếu để nâng cao tinh thần, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng và luật pháp của nhà nước của mỗi đảng viên. Bên cạnh đó, công tác kỷ luật Đảng phải hết sức nghiêm minh, cán bộ càng có trọng trách cao thì càng phải có ý thức chấp hành kỷ luật Đảng và khi vi phạm thì họ phải bị xử lý nghiêm khắc hơn những cán bộ, đảng viên thường của Đảng. Phải kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức hoặc buộc từ chức đối với những cán bộ làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêm, có phiếu tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Phải xây dựng và thực hành văn hóa từ chức theo nguyên tắc “làm được việc thì ở, không làm được việc thì lui”.

Cũng phải xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp đủ đức, đủ tài. Sự tha hóa của chính quyền sẽ đến độ đỉnh điểm nếu những người bảo vệ pháp luật lại là những người phạm luật, phá luật. Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp “chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến”[13], biết nói “không” với phong bì “lót tay”.

Thứ năm, phải nâng cao vai trò giám sát của nhân dân. Thực hiện lời căn dặn của Hồ Chí Minh, rằng phải “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”[14], ngày nay các cấp ủy đảng phải thực hiện có nền nếp và nghiêm túc việc lấy ý kiến phê bình của quần chúng. Đối với những ý kiến đúng thì phải tiếp thu, sửa chữa. Đối với những ý kiến chưa đúng thì giải thích cho nhân dân hiểu. Phải tạo cơ chế để nhân dân tích cực và yên tâm thực hiện vai trò giám sát của mình mà không sợ bị trả thù, trù úm.

Tóm lại, để chỉnh đốn Đảng về phương diện đạo đức thì cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, nhưng chủ trương, chính sách nào thì cũng phụ thuộc vào người thi hành nên cuối cùng, tất cả lại trở về vấn đề mấu chốt là vấn đề cán bộ.

Hồ Chí Minh là nhà đạo đức vĩ đại không phải vì Người để lại những tác phẩm đồ sộ về đạo đức mà bởi Người đã suốt đời thực hành đạo đức một cách nghiêm cẩn nhất và gieo những hạt mầm đạo đức vào tâm hồn người khác. Đối với công cuộc chấn hưng đạo đức trong Đảng cũng như trong xã hội hiện nay, di sản đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là ánh sáng chỉ đường nhưng vấn đề là chúng ta có “mở lòng” để đón nhận thứ ánh sáng kỳ diệu đó và để nó dẫn dắt ta đi hay không? Mặt khác, chúng ta cũng không vì giá trị to lớn trong di sản đạo đức Hồ Chí Minh mà cho rằng Người đã để lại mọi lời giải trực tiếp cho tất cả các vấn đề cụ thể trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nếu “cách mạng phải biết tự bảo vệ” (Lênin) thì mỗi con người, mỗi đảng cách mạng cũng phải biết tự bảo vệ mình trước sự tha hóa của chính mình. Nếu “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” thì chúng ta cũng phải vận dụng sáng tạo tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính của Hồ Chí Minh vào công việc cụ thể của chính mình. Đó làyêu cầu bắt buộc đối với mỗi đảng viên của Đảng và mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay./.

PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

http://quandoanthuduc.com.vn/van-dung-tu-tuong-can-kiem-liem-chinh-cua-ho-chi-minh-vao-viec-xay-dung-dang-ve-dao-duc-trong-giai-doan-hien-nay/

Người đăng: