1. Một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nhân dân khu Hồng Quảng bị bão lụt. Các đồng chí lãnh đạo báo cáo việc khắc phục hậu quả chậm, gặp nhiều khó khăn với lý do: dân ở đây chậm giác ngộ, không hợp tác tốt với lực lượng của Trung ương về ứng cứu.
Nghe báo cáo xong, Bác kể cho các đồng chí lãnh đạo nghe một câu chuyện: Trong thời kháng chiến chống Pháp, ở Thái Nguyên có hai đơn vị bộ đội về đóng quân. Đơn vị thứ nhất bị dân phản ảnh, kêu ca; tình hình hết sức khó khăn, bộ đội không mua được gạo, thịt và các nhu yếu phẩm trong dân. Đơn vị thứ hai đến sau, cũng đóng quân tại chính địa điểm này, nhưng hoàn toàn không có hiện tượng đó. Tình quân dân rất thắm thiết, nhân dân còn mang măng, chuối, trứng gà đến tặng đơn vị. Vấn đề đặt ra là: vì sao đơn vị trước lại bị dân phản ảnh, kêu ca?
- Bác giải thích: Tại vì đơn vị trước là “quan” rồi, nên không chịu làm công tác dân vận, cái gì cũng bỏ tiến túi ra mua, khi mua còn bị dân làm khó, không chịu bán. Đơn vị sau biết cách tổ chức tốt công tác dân vận nên được nhân dân ủng hộ, quí mến, chăm lo như người thân trong gia đình.
- Bác hỏi lại các đồng chí lãnh đạo: vậy có phải dân ở đó kém giác ngộ và xấu không? Rồi Bác nhấn mạnh: tình hình ở đây cũng vậy thôi, các chú phải xem lại có phải dân chậm giác ngộ, hay tại các chú chưa làm tốt công tác dân vận?
2. Lớp học chính trị tại hang Kéo Quảng (Nguyên Bình), do Bác Hồ trực tiếp phụ trách. Hồi bấy giờ, Hítle đang ồ ạt tiến công Liên Xô. Quân phát xít Đức đã chiếm gần hết Ucraina và chỉ còn cách Thủ đô Matxcơva khoản 30 Kilômet. Nhiều người lo lắng hỏi: Thưa Bác, phát xít Đức mạnh như thế, liệu Liên Xô có thể bị mất không ạ? Bác Hồ nói: việc gì mà phải lo. Liên Xô đã chuẩn bị từ lâu. Đất nước này rộng lắm. Các nhà máy ở thủ đô đều đã dời vào dãy núi Uran cách xa hàng ngàn cây số. Nếu quân đội của Hítle chiếm đóng những vùng gần thủ đô thì Liên Xô sẽ rút về phía Uran và tiếp tục kháng chiến. Đánh giặc phải có căn cứ địa chứ.
Nghe nói đến căn cứ địa, có người hỏi: Thưa Bác, ở miền núi thì lấy núi, lấy sông làm căn cứ địa, thế còn ở đồng bằng không có địa thế hiểm trở thì làm thế nào ạ? Bác cười bảo: có núi thì dựa vào núi, có sông thì dựa vào sông, không có núi, có sông thì dựa vào người dân ở đó.
Rồi Bác kể: ông cha ta bao đời đánh giặc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, kẻ địch rất mạnh, hầu hết các nước đều phải chịu thua. Nhưng khi chúng kéo quân vào nước ta, thì cả ba lần đều bị thất bại. Đó là vì triều nhà Trần biết lấy dân làm sông, làm núi. Bác nói tiếp: các chú có biết Hán ngữ có chữ “nhân sơn, nhân hải”, có nghĩa là “ núi người, biển người” không? Ở đâu có dân là ở đó có núi, có sông, có biển. Dân có sức mạnh hơn cả sông núi. Nếu ta biết dựa vào dân thì sẽ thành công.
Qua hai câu chuyện trên, nghiên cứu, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, chúng ta thấy rằng, thoe Bác Hồ, nhân dân có sức mạnh vô địch, việc gì mà biết dựa vào dân, có nhân dân đồng tình, ủng hộ thì khó khăn mấy cũng làm được. Trong quan hệ với nhân dân, cần đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu đời sống, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tuyệt đối không làm điều gì cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ. Khi quan hệ với nhân dân, phải kính trọng, tôn trọng dân, gần gũi, thành tâm với dân, nói đi đôi với làm. Phải hiểu được sức mạnh của lòng dân. Kính trọng dân. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và tác phong của mình, không để cho tiền bạc làm mờ lý trí, chức quyền làm thay đổi tính tình trở nên quan liêu, hách dịch, xa dân. Đặt lợi ích của dân lên trên hết, không vì lợi ích cá nhân mà xâm phạm vào lợi ích chung ở bất cứ hình thức nào. Nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức theo lời dạy của Bác Hồ: Đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Là cán bộ, đảng viên, phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bởi vì không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.
Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, một tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; đạo đức của ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước nồng nàn; đạo đức của một con người tuyệt đối tin tưởng và kính trọng nhân dân; đạo đức của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người; đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đời sống trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn, trung thực, chân thành. Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác sẽ giúp cho mỗi người chúng ta nhận ra sức mạnh vô địch của nhân dân, kính trọng dân, biết dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ./.
Nguyễn Ngọc Cơ
http://ctd.edu.vn/admin/posts/new
Người đăng: