CHUYỆN VỀ NGƯỜI HỌC TRÒ GỌI BÁC LÀ ANH
Câu chuyện bắt đầu từ một bức thư
Hai tiếng “Bác Hồ” đã trở nên quen thuộc gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong quá trình làm công tác tư liệu, chúng tôi đã tìm hiểu danh xưng đó xuất hiện từ khi nào. Khi Bác Hồ về nước (28-1-1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, lúc đầu gặp mặt mọi người không biết xưng hô thế nào. Hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt kể rằng: Mới đầu, chúng tôi đều gọi Bác là đồng chí, rồi gọi là Cụ, sau thấy anh Trường Chinh, anh Thụ dùng tiếng “Bác”, anh em thấy gọi như thế hợp với lòng mình, nên từ đấy chúng tôi bắt đầu thưa với Người bằng tiếng “Bác” thân yêu, như tất cả chúng ta đều gọi sau này. Tiếng “Bác” được dùng rộng rãi hơn từ sau năm 1945. Trong giao tiếp hàng ngày, Người cũng thường xưng là Bác và gọi các đồng chí lãnh đạo là chú. Sau này tiếng Bác còn được ký dưới một số thư gửi các đồng chí Trung ương và Bộ Chính trị. Cho đến thời điểm này chúng tôi biết chỉ có một thư Bác ký là ANH. Nguyên văn bức thư như sau
“Chú Lĩnh
Chú ốm đi ốm lại mãi. Mình lo cho sức khoẻ của chú. Phải gắng uống thuốc đi cho khỏi, hoặc nhờ thầy thuốc tiêm cho. Chớ để ốm mãi như vậy, chú đã yếu mà anh cũng lo.
Thân ái và quyết thắng
Ngày 20 tháng 8 năm 1947
ANH”
Một bức thư chỉ có đôi dòng, nhưng thể hiện tình cảm thân thiết, sự quan tâm của một người anh đối với em. Chúng tôi tò mò vì chữ ANH Bác ký dưới bức thư nên đã tìm hiểu về nhân vật trong bức thư và mối quan hệ của người đó đối Bác Hồ.
Ông là Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993), còn có tên khác là Hồng Lĩnh, tên khi học ở trường Đại học phương Đông, Mátxcơva. là Minin (Robert B)/ Minine. Ông là một nhân vật nổi tiếng trong giới khoa học xã hội với biệt danh “Giáo sư đỏ”.
Nguyễn Khánh Toàn sinh ra trong một gia đình công chức nghèo tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Quê gốc của ông ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1926, vì những hoạt động chống Pháp, mặc dù học rất giỏi nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông không được bổ nhiệm làm việc ở bất cứ một trường công nào. Cùng năm đó, ông đứng ra làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ Le Nhà quê, sau làm chủ bút báo L’Annam, đăng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và những yêu sách của Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Vécxây, bị Pháp bắt giam. Năm 1927, ông bị xử án treo. Năm 1928, Nguyễn Khánh Toàn đệ đơn lên Thống đốc Trung Kỳ xin đi Pháp.
Theo giới thiệu của Đảng Cộng sản Pháp, từ 30-10-1928 đến năm 1931, Nguyễn Khánh Toàn sang Liên Xô, học tại trường Đại học Phương Đông. Năm 1931-1933, ông học nghiên cứu sinh Đại học Phương Đông- Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Trong số các sinh viên Đông Dương, Minin- Nguyễn Khánh Toàn là người duy nhất học đầy đủ khóa nghiên cứu sinh tại Đại học Phương Đông.
Từ năm 1933, ông là giảng viên trường Đại học Phương Đông- Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Phó giáo sư môn kinh tế chính trị học, giảng dạy khóa học lịch sử phong trào cách mạng và lịch sử Quốc tế Cộng sản. Ông biết tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh nên làm cả nhiệm vụ phiên dịch tại trường Đại học Phương Đông. Những năm 1935-1937, ông còn làm việc ở Phòng Đông Dương, thuộc Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Do có những đóng góp tích cực, ông đã được Quốc tế Cộng sản giao trọng trách là Phó phòng Đông Dương, có lúc là Quyền Trưởng phòng Đông Dương.
Ông đã có đóng góp không nhỏ vào hoạt động của Phòng Đông Dương và vào chính quá trình học tập- giáo dục ở Đại học Phương Đông. Ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tiếng Việt và lịch sử Việt Nam tại Liên Xô. Ông đã soạn thảo cuốn sách học thực hành đầu tiên nhan đề Sách học tiếng An Nam được xuất bản ở Mátxcơva năm 1933. Ông cũng soạn thảo cả từ điển Việt –Nga, Nga-Việt phục vụ cho cán bộ học tập ở trường Đại học phương Đông. Ở cương vị Quyền Trưởng phòng Đông Dương, ngoài công tác tổ chức quản lý chung, ông còn biên soạn giáo trình, tham gia biên tập các bản tin, tuyển chọn tài liệu, chuẩn bị các báo cáo tình hình về đảng và phong trào cách mạng ở Đông Dương. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu viết những năm 30 trong bối cảnh cụ thể của tình hình chính trị lúc đó như tập sách mỏng “Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1931) , báo cáo tóm lược “Các nhóm, đảng phái tồn tại ở Đông Dương và việc thu hút họ tham gia phong trào dân tộc thống nhất”(1936), báo cáo “Các quan hệ ruộng đất ở Đông Dương” (12-1937).
Năm 1939, ông từ Mát xcơva đi Trung Quốc, họat động cùng một nhóm cộng sản Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Khánh Toàn trở về nước và được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ giảng dạy Triết học và Chủ nghĩa Mác - Lênin tại các lớp huấn luyện cán bộ. Tại những lớp học này, "học sinh ra về lan truyền đi khắp nơi những lời khâm phục về sự uyên bác và sắc sảo của một Giáo sư đỏ, một trí thức lỗi lạc của Đảng đã đem lại cho anh chị em những kiến thức sơ đẳng và khái quát về học thuyết Mác-Lênin, tăng thêm niềm tin tưởng của anh chị em vào con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ".
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng lại nền giáo dục Việt Nam. Nguyễn Khánh Toàn được giao trách nhiệm nặng nề ấy. Năm 1946, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, kiêm Bí thư Đảng – Đoàn Bộ Giáo dục. Năm 1950, với tinh thần trách nhiệm cao, ông đã cùng các đồng chí của mình tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất một cách toàn diện. Ngay trong khói lửa chiến tranh, cuộc cải cách giáo dục đã đạt được những kết quả to lớn
Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải đưa nền giáo dục lên một trình độ phát triển mới, cả về nội dung và tổ chức, kịp thời đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Năm 1960, cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai được tiến hành. Ông đã vận dụng những chủ trương hết sức mềm dẻo, uyển chuyển, để chủ quan phù hợp với thực tế khách quan, biến nền giáo dục thực dân, phong kiến trở thành một nền giáo dục cách mạng. Đúng như GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận xét: "GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là linh hồn của cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cải cách giáo dục lần thứ hai (1960)..., kiến trúc sư những thắng lợi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta".
Do yêu cầu cách mạng, do cương vị công tác, GS. Nguyễn Khánh Toàn đã tham gia vào nhiều lĩnh vực. Năm 1960, ông được cử làm Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Từ năm 1965 đến năm 1982, sau khi Ban Khoa học Xã hội tách khỏi Uỷ ban Khoa học Nhà nước để đổi thành Viện Khoa học Xã hội rồi Uỷ ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm cơ quan nghiên cứu khoa học này cho đến khi nghỉ hưu. GS. Nguyễn Khánh Toàn là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1960 - 1976), đại biểu Quốc hội các khóa II và III (1960 - 1971).
Năm 1975, GS. Nguyễn Khánh Toàn được nhận danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức. Năm 1976, ông được vinh dự bầu chọn là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Sự nghiệp khoa học của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn vô cùng đồ sộ. Giáo sư là một học giả uyên thâm, một nhà bác học với kiến thức vừa bao quát, vừa chuyên sâu trong các lĩnh vực Sử học, Văn học, Triết học, Ngôn ngữ học, Dân tộc học, Luật học, Giáo dục học và có vốn hiểu biết phong phú về văn hóa phương Đông cũng như phương Tây. Ông đã chỉ đạo biên soạn đề cương bộ: Lịch sử Việt Nam (2 tập, 1971), Lịch sử văn học Việt Nam (tập I, 1970, 1971, 1976 và 2004), Tổng tập văn học (trọn bộ 42 tập, 2000), Từ điển tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt (1983). Bên cạnh đó, ông còn viết nhiều công trình nghiên cứu riêng tập trung vào một số lĩnh vực mà ông am hiểu hơn cả là lịch sử và văn hóa như: Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối Lê đến đầu nhà Nguyễn Gia Long (1954), Đại cương về văn học sử Việt Nam (1954), Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản (1960), Xung quanh một số vấn đề về văn học và giáo dục (1972) và một số bài viết, bài phát biểu về các tác giả lớn của văn học dân tộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh…
GS, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn nói và viết thông thạo tiếng Pháp, Nga, Anh, Trung. Ông là một tấm gương sáng cho cán bộ khoa học trong việc học tập ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ như một điều kiện thiết yếu để mở rộng tầm hiểu biết trong nghiên cứu khoa học. Ông đã có trên 500 bài viết bằng nhiều thứ tiếng được đăng tải trên các báo trong và ngoài nước.
Theo GS, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý: "Phương pháp luận nghiên cứu mác xít của GS,Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đã trở thành một mẫu mực để các nhà nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn ở nước ta thuộc các thế hệ học tập, noi theo"
Ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển khoa học Việt Nam, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1984); truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) cho Cụm những công trình thuộc lĩnh vực sử học. Năm 2008, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.
Ông mất ngày 9/12/1993, tên ông được đặt cho một đường phố lớn ở Hà Nội.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn với Chủ tịch Hồ Chí Minh – tình thân đặc biệt và những công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Từ những năm 1926 -1927, khi hoạt động ở trong nước, Nguyễn Khánh Toàn đã biết đến Nguyễn Ái Quốc, khi đọc những tờ báo Le Paria và Bản án chế độ thực dân Pháp của Người được bí mật đưa vào Việt Nam. Nhưng mãi đến năm 1934, Nguyễn Khánh Toàn- Minin mới gặp trực tiếp Nguyễn Ái Quốc tại trụ sở của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Sau đó, trong cuộc gặp gỡ với sinh viên Việt Nam ở trường Đại học Phương Đông, bà V.Ia.Vaxilepva, lúc đó là Trưởng phòng Đông Dương đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc- Lin là cán bộ của Ban Phương Đông BCH Quốc tế Cộng sản và theo quyết định của Quốc tế Cộng sản, Lin sẽ lãnh đạo nhóm sinh viên Việt Nam. Trong những năm 1934-1938, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Khánh Toàn có thời gian cùng làm việc ở Phòng Đông Dương. Sau này đồng chí kể lại: “Tôi được may mắn đi theo Bác như một học trò chưa học vần i-tờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, mới ngoài 20 tuổi, được hân hạnh Người đối xử như em út, con cháu, căn cứ vào mối tình thắm thiết ấy, tôi cứ gọi Chủ tịch là anh, tôi tự xưng em” . Rồi qua những lần tiếp xúc trò chuyện về gia đình, quê hương, biết quê nội ông ở Huế, còn quê ngoại ở Nam Đàn, tình thân giữa hai người càng thêm thắm thiết. Từ đó họ xưng hô anh em không chấm dứt .
Cuối năm 1938, Lin (Nguyễn Ái Quốc) được Quốc tế Cộng sản bố trí cho về nước. Một năm sau Nguyễn Khánh Toàn được Quốc tế Cộng sản cử về Trung Quốc. Cuối năm 1945, Nguyễn Khánh Toàn trở về nước, “Anh em” gặp nhau ở Việt Nam và họ lại cùng tiếp bước trên chặng đường cách mạng của dân tộc.
Được gặp gỡ và làm việc với Nguyễn Ái Quốc - Lin- Linốp từ những ngày ở Liên Xô, sau này trở về nước được giao phụ trách những công việc quan trọng, thường xuyên tiếp xúc làm việc với Bác, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn là người hiểu Bác Hồ sâu sắc, từ tư tưởng, đạo đức đến phong cách lãnh đạo, làm việc. Bên cạnh những công trình, bài viết xuất sắc về Bác Hồ, đồng chí còn kể những câu chuyện cảm động, nhiều khi là chuyện vui hóm hỉnh, nhưng qua đó cũng thể hiện tình cảm đặc biệt của đồng chí đối với Bác Hồ, lòng ngưỡng mộ phong cách làm việc, giao tiếp ứng xử của Người. Những năm tháng cuối đời, đồng chí nuối tiếc vì còn nhiều điều muốn viết mà không kịp.
Với trình độ kiến thức uyên bác và một quan điểm lịch sử mác xít vững vàng , những bài viết của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn luôn gắn bó chặt chẽ vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vận mệnh dân tộc, với hành động sáng tạo lịch sử của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Bài viết sớm nhất của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn về Bác có lẽ là bài viết nhất dịp lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Bác (19-5-1946). Những trang viết chứa chan tình cảm, đầy lòng tin tưởng, giúp nhân dân ta nhận diện Hồ Chí Minh là ai: “Ở ông già cao cả này, với phong độ khiêm nhường, nho nhã và từ tốn của một hiền giả, với cặp mắt sâu sắc của một nhà bác học, với nụ cười hiền hậu của một nhà thuyết giáo, với tấm lòng âu yếm của một bà mẹ, với tâm hồn nồng nhiệt của một nhà thơ và với ý chí bất khuất của một vị khai quốc, mỗi người đều cảm thấy và nhận thấy đó là một lãnh tụ. Ai cũng tôn kính người như vị anh hùng dân tộc. Nhưng, trong bao nhiêu danh hiệu vinh quang của Người, có một danh hiệu thích hợp với Người hơn tất cả các danh hiệu khác, và nó át hẳn các danh hiệu khác: danh hiệu “NGƯỜI CON CỦA NHÂN DÂN” ; “Nhờ có Hồ Chí Minh, người giữ gìn những đức tính cao quý nhất của nhân dân ta, mà chúng ta đã lớn lên trước nhân dân thế giới. Vì vậy, ánh hào quang tỏa chiếu trên trán vị Chủ tịch của chúng ta, và đã làm cho Người trở thành một Vĩ nhân trong số những vĩ nhân mà nhân loại tự hào, cũng làm rạng rỡ toàn thể nhân dân ta nữa” . Những bài viết cuối cùng của Nguyễn Khánh Toàn về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Nghiên cứu, phân tích quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua một số tác phẩm: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường kách mệnh (1927), Tuyên ngôn độc lập (1945), đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đi đến nhận xét khái quát vai trò lịch sử của Hồ Chí Minh đối với dân tộc, với thời đại: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó cả cuộc đời mình- mỗi ý nghĩ, mỗi tình cảm, mỗi hành động- với cuộc đấu tranh cho lý tưởng của Người là giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh- Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Chiến sĩ lỗi lạc của cách mạng thế giới. Một khối óc lớn,một trái tim lớn của thế kỷ” .
Nhiều năm làm công tác lãnh đạo ngành giáo dục, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn có một số bài viết về sự nghiệp giáo dục dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí viết: “Hồ Chủ tịch nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc”, “Bác Hồ nhà giáo dục thiên tài nhất cũng là giản dị nhất của dân tộc, là vì Bác là tinh hoa của một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” và “Hương sắc của nền văn hiến ấy không phải là cái gì khác hơn là độc lập, tự do”.
Qua lời kể của đồng chí Hà Huy Giáp, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết năm 1968, khi sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh yếu đi, cùng với việc chuẩn bị giữ gìn thi hài của Người, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Khánh Toàn chuẩn bị thành lập Viện nghiên cứu Hồ Chí Minh, nhưng Bác Hồ đã không đồng ý. Vậy là chủ trương của Trung ương Đảng về việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh để phát huy tài sản tinh thần của Người đã có từ rất sớm. Sau khi Bác mất, đồng chí Hà Huy Giáp được giao nhiệm vụ là Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, trong Dự thảo phương hướng nghiên cứu khoa học gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đề nghị xúc tiến nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và xem nó như là cơ sở cho sự phát triển lý luận Mác - Lênin và sự sáng tạo trong đường lối cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn viết: “Các ngành khoa học xã hội luôn được Bác và Trung ương Đảng quan tâm, dành cho cương vị xứng đáng, giao cho một trách nhiệm lớn trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, và trách nhiệm đó lúc này là nhiệm vụ nghiên cứu phát huy di sản khoa học Hồ Chí Minh, bởi vì theo đồng chí: “Khoa học HỒ CHÍ MINH là khoa học Mác- Lênin được vận dụng thiên tài, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từ việc lớn đến những việc bình thường, trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bao hàm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại, từ lý trí, tư tưởng đến tình cảm, đạo đức, tác phong.
Khoa học HỒ CHÍ MINH là khoa học hiện đại của dân tộc Việt Nam để chiến thắng mọi trở ngại, nghịch cảnh, mọi thử thách, mọi kẻ thù. Khoa học HỒ CHÍ MINH là khoa học của nhân dân Việt Nam để làm chủ đất nước, làm chủ số phận mình, để tiến lên những đỉnh cao của sự nghiệp xây dựng một thế giới mới. Khoa học HỒ CHÍ MINH là một bộ phận quan trọng của khoa học bách chiến, bách thắng của Mác- Lênin để thực hiện những lý tưởng cao cả của nhân loại.
Hồ Chủ tịch là nhà kiến trúc sư thiên tài và bất hủ đã xây đắp nền móng cho một thời kỳ mới, thời kỳ oanh liệt nhất trong các thời kỳ oanh liệt của lịch sử 4000 năm của dân tộc. HỒ CHỦ TỊCH là người cải tạo tài giỏi và tinh vi dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam, là nhà kỹ sư tâm hồn kiệt xuất của con người Việt Nam, là người thầy vĩ đại của khoa học Việt Nam nói chung và khoa học xã hội Việt Nam nói riêng.
Di sản của Hồ Chủ tịch là một kho tàng vô giá và vô tận đối với chúng ta, cán bộ lý luận khoa học xã hội, bởi vì nó kết tinh những giá trị cao quý nhất của dân tộc và của loài người hiện nay. Để thừa hưởng xứng đáng di sản ấy, không những cho bản thân ta, mà cho cả con em chúng ta và cho các thế hệ mai sau. Nhiệm vụ quan trọng vào bậc nhất của chúng ta trước mắt là phải ra sức tìm tòi, học hỏi sưu tầm, nghiên cứu, đúc kết di sản ấy về mọi mặt” . Bài viết của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, ngay sau khi Bác mất với những nhận định, đánh giá giá trị của khoa học Hồ Chí Minh là những gợi mở đầu tiên cho những chương trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đối với cách mạngViệt Nam sau này.
http://baotanghochiminh.vn/TabId/487/ArticleId/9681/PreTabId/497/Default.aspx
Người đăng: