BÀI HỌC KHAI TÂM
Ông Phạm Khắc Hòe, một yếu nhân của triều đình Huế, sau Cách mạng tháng Tám nhờ sự cảm hóa và dìu dắt của Bác Hồ đã trở trành cán bộ của cách mạng. Trong quá trình đi theo cách mạng ông nhiều lần được gặp Bác, nhưng có 2 lần gây ấn tượng sâu sắc và làm cho ông nhớ suốt đời. Đó là lần đầu tiên ông được gặp Bác ở Bắc Bộ phủ và lần thứ 2 ở Việt Bắc. Ông bảo rằng đây là 2 lần gặp khai tâm và khai trí cho ông.
Sau khi cùng cựu Hoàng Bảo Đại từ Huế ra Hà Nội, ông rất nóng lòng muốn được thấy tận mắt nhà cách mạng lừng tiếng Nguyễn Ái Quốc. Nhưng khi Bảo Đại rủ ông cùng đi gặp Hồ chủ tịch thì ông ngần ngại không muốn đi cùng. Cựu Hoàng đi rồi ông sống trong tâm trạng bồn chồn, tiếc nuối, đứng ngồi không yên. Hơn tiếng đồng hồ sau, cựu Hoàng trở về tươi cười nói với ông: “Cụ Hồ tốt lắm! Vui vẻ lắm! Lịch lãm lắm! Giản dị lắm! Cụ có hỏi đến ông và tôi đã nói với Cụ về ông rồi, ông mau đi đến mà chào Cụ”. Nghe lời của Bảo Đại, ông Hòe đến phòng làm việc của Hồ Chủ Tịch. Ông Hòe còn nhớ rất rõ, Bác Hồ lúc ấy người cao gầy, vầng tráng rộng, mắt sáng, râu dài và thưa, mặc áo ka-ki cao cổ, đứng dậy mỉm cười, bắt tay, mời ông ngồi xuống một trong 2 cái ghế.
Buổi gặp lần đầu tiên của ông với Bác Hồ chỉ khoảng 10 phút nhưng đã để lại cho ông ấn tượng sâu sắc, nhất là đôi mắt sáng ngời và cách ăn mặc giản dị, thái độ ân cần thân mật của Cụ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông bị Pháp bắt đưa đi Sài Gòn, Đà Lạt rồi ra Hà Nội. Thực dân Pháp ra sức dụ dỗ, mua chuộc để ông quay trở lại cộng tác với chúng. Nhờ những ngày tháng sống trong không khí sục sôi của cách mạng, nhờ được Bác Hồ khai tâm, ông quyết định tìm đường lên ATK (từ viết tắt của An toàn khu, ở Việt Bắc).
Và ngày 2-9-1947, ông đã về tới ATK. Chỉ 2 ngày sau ông được Bác Hồ tiếp. Bác hỏi ông: Cái gì đã làm cho chú cương quyết đi ra vùng tự do tham gia kháng chiến?
Thưa Bác yếu tố quyết định là hình ảnh của Bác trong tim cháu và uy tín lớn lao của Bác trong mọi tầng lớp nhân dân trong đó có cả vùng bị địch tạm chiếm. Chú nói thế là không đúng. Yếu tố quyết định nằm ngay trong bản thân chú: Đó là lòng yêu nước của chú. Chú cũng như tôi, đa số người Việt Nam ta, ai cũng ít nhiều có lòng yêu nước, muốn đất nước được độc lập, thống nhất. Chỉ cần chúng ta nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa.
Ông Phạm Khắc Hòe coi lần gặp này là bài học khai tâm. Ông kể tiếp:
“Trên đường trở ra trạm liên lạc, sau mấy giây có cảm giác cô đơn, buồn tẻ thoáng qua, tôi thấy mình được gần Bác hơn bao giờ hết. Bỗng trời xanh hơn, nắng vàng hơn, rừng thơm hơn, suối trong hơn....Tôi vô cùng tự hào đã chọn con đường Bác vạch ra cho toàn thể đồng bào... Tôi tự thề với mình sẽ suốt đời phấn đấu noi gương Bác, cố gắng vươn lên không ngừng hiến dâng tất cả tâm hồn và sức lực của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc”.
Người đăng: