Bài viết được đăng chi tiết tại trang: https://letrungnghia.mangvn.org/Author/giao-duc-de-cac-to-chuc-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-co-day-du-nang-luc-so-nhiem-vu-quan-trong-cua-nganh-giao-duc-de-phuc-vu-cho-chuong-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia-6973.html
Nguồn: Lê Trung Nghĩa
Phân phối theo Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế
Trích Nội dung bài viết :
Để hoàn thành mục tiêu kép của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc giáo dục để tổ chức, doanh nghiệp và người dân có đầy đủ năng lực số cần phải là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn ngành giáo dục. Việc tùy chỉnh các khung cùng các công cụ đánh giá năng lực số của các quốc gia đã có kinh nghiệm, như của EU, có thể giúp ngành giáo dục hoàn thành được nhiệm vụ này.
Ngày 03/06/2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, trong đó giáo dục là một trong số các lĩnh vực được ưu tiên.
Về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, Quyết định nêu:
Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.
100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.
Có thể thấy các nội dung này tất cả nhằm vào việc chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ dạy và học từ môi trường truyền thống sang môi trường số, với sự trợ giúp của các công nghệ số để đạt được mục tiêu được nêu ra.
Để giúp nâng cao nhận thức của tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và công bố trang thông tin ‘Cẩm nang chuyển đổi số’[1] dưới dạng các câu hỏi – đáp thường gặp một cách ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu, ví dụ như: chuyển đổi số là gì?, chuyển đổi số khi nào?, chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho người dân?; chuyển đổi số là việc của ai? chuyển đổi số như thế nào? chuyển đổi số những gì? chuyển đổi số tốn bao nhiêu tiền?. Cũng có những gợi ý cụ thể cho ngành giáo dục về chuyển đổi số bằng câu hỏi - đáp: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục như thế nào? Chắc chắn, trang thông tin này là rất hữu ích đối với các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên con đường dài với nhiều cấp độ của chuyển đổi số, như: số hóa thông tin (digitization), khai thác cơ hội số (digitalization), và chuyển đổi số (digital transformation).
Từ góc nhìn về năng lực số có thể thấy, để đáp ứng được mục tiêu kép nêu trong Quyết định 749/QĐ-TTg, rất cần xây dựng và nâng cao các năng lực số cho các tổ chức, doanh nghiệp, và công dân để có thể xây dựng thành công chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số, một cách tương ứng.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số chỉ được nói nhiều sau thời điểm ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, trong khi, Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên đã có hàng chục nghiên cứu và hàng trăm tài liệu kết quả của các nghiên cứu về chuyển đổi số từ năm 2005 cho tới nay, để rồi trên cơ sở đó ban hành nhiều khung năng lực số cho các đối tượng khác nhau[2], nhằm mục đích nâng cao năng lực số cho mọi người dân, doanh nghiệp và tổ chức ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng để có tối thiểu 80% dân số với các năng lực số/kỹ năng số cơ bản và 20 triệu chuyên gia CNTT-TT tới năm 2030[3]. Các khung đó gồm: Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục; Khung năng lực số cho các nhà giáo dục; Khung năng lực số cho công dân; Khung năng lực cho khởi nghiệp; Khung năng lực số cho người tiêu dùng; và Khung năng lực số cho học tập suốt đời.
Người đăng: KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN