Nghệ thuật kìm chân địch qua Nam Bộ kháng chiến

Ngày đăng :23/09/2018

Nghệ thuật kìm chân địch qua
Nam Bộ kháng chiến

Chỉ sau 3 tuần nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp dựa vào thế quân Anh nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Sớm dự đoán âm mưu của thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Nam Bộ và xâm lược nước ta, ngay sau khi quân Pháp nổ súng, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) Nam Bộ họp, điện gấp ra báo cáo Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị; đồng thời quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến (UBKC) Nam Bộ; ra lệnh rút các đơn vị vũ trang tập trung và chuyển những người già, trẻ em từ nội thành ra vùng ven Sài Gòn. UBKC Nam Bộ chia Sài Gòn-Chợ Lớn thành 5 mặt trận: Mặt trận nội thành và 4 mặt trận xung quanh. Mỗi mặt trận ta bố trí các đơn vị vũ trang, được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí, chuẩn bị mọi mặt, SSCĐ. Ở mặt trận nội thành, ta tổ chức 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí ở 16 khu vực tác chiến trong thành phố và một số tiểu đội vũ trang tập trung tuần tra, canh gác các công sở. Tại các tỉnh Nam Bộ, UBND Nam Bộ và các cấp ủy đảng tổ chức những đội tự vệ chiến đấu và du kích.

   

                                                              
         Nhân dân Nam Bộ cắm chông, tạo vật cản ngăn chặn quân Pháp. Ảnh tư liệu.

 

Trước đối tượng tác chiến trang bị mạnh hơn, ta tổ chức và sử dụng LLVT phù hợp với biên chế, vũ khí trang bị và trình độ chiến đấu. Khi quân Pháp nổ súng, đánh chiếm một số vị trí ở Sài Gòn, ngay từ sáng 23 và ngày 24-9, các LLVT nội thành đã đánh trả, ngăn chặn địch quyết liệt ở dinh Đốc Lý, đường Véc-đoong, trụ sở UBKC Nam Bộ, cột cờ Thủ Ngữ… Thực hiện chi viện nội thành, đêm 24-9, một số đơn vị vũ trang mới thành lập từ Hậu Giang, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Nhà Bè bí mật tiến vào phối hợp với các tổ, đội tự vệ bám trụ, tập kích địch. Tiếp đó, nhiều trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ở ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, Tân Định, nhà đèn Chợ Quán, cầu Kiệu, xóm Muối… Sau một tuần chiến đấu, ta đã kìm giữ, không cho địch mở rộng chiếm đóng, gây cho chúng một số thiệt hại, tạo thuận lợi cho các cơ quan và cơ sở kháng chiến chuyển từ nội thành ra vùng ven, sau đó tới vùng căn cứ an toàn.

Quán triệt chủ trương kìm giữ, không cho địch mở rộng đánh chiếm ra ngoài thành phố, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10-1945, ta thực hiện trong đánh, kết hợp các LLVT Nam Bộ vây hãm vòng ngoài và sau đó kết hợp trong, ngoài cùng đánh. Ở nội thành, được nhân dân chi viện và một số đơn vị vũ trang trang bị gọn nhẹ từ ngoài thọc sâu vào phối hợp tác chiến, các đơn vị vũ trang ta chia thành nhiều tổ bí mật áp sát, hình thành thế bao vây, bất ngờ tiến công địch ở cầu chữ Y, chợ Bến Thành, cầu Thị Nghè, Khánh Hội, nhà đèn Chợ Quán, nhà máy rượu… gây cho địch tổn thất nặng nề. Nhờ đó, ta đã ngăn chặn, kìm giữ hiệu quả, địch không thể mở rộng đánh chiếm ra các vị trí khác trong thành phố.

Với chủ trương trong đánh, ngoài vây, kìm chân địch trong thành phố một thời gian dài, ta tổ chức các khu vực Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn thành 4 mặt trận trên 4 hướng (đông, bắc, tây, nam) và bố trí các đơn vị vũ trang tập trung, cùng lực lượng tự vệ trấn giữ ở từng mặt trận, nhất là những nơi trọng yếu từ các khu vực Thị Nghè, Khánh Hội, cầu Bông đến Rạch Cát, Phú Lâm, cầu Kiệu… tạo thành một hệ thống vành đai vòng ngoài, bao vây chặt quân địch trong nội thành. Từ các chiến tuyến vành đai vòng ngoài, ta tổ chức lực lượng chiếm giữ các cầu chính và cửa ngõ xung yếu ra, vào Sài Gòn, thực hành các trận chiến đấu, không cho địch mở rộng địa bàn chiếm đóng ra vùng ven thành phố; đồng thời tổ chức các phân đội nhỏ bí mật luồn sâu vào nội thành, bất ngờ tập kích các vị trí đóng quân, đốt phá kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của địch rồi nhanh chóng rút ra, khiến chúng hoang mang, luôn tìm cách đối phó và chịu một số thiệt hại. 

Đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Nam tiến sôi nổi, rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và trong cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài hướng về Sài Gòn và Nam Bộ kháng chiến. Với tổ chức biên chế, trang bị phù hợp, Chi đội 3 Giải phóng quân là đơn vị hành quân từ miền Bắc vào chi viện sớm nhất cho Nam Bộ, kịp thời đến tận cửa ngõ Sài Gòn, cùng LLVT và nhân dân địa phương chiến đấu, lập chiến công oanh liệt ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc. Một số phân đội Nam tiến cũng vào đến các tỉnh Nam Bộ, cùng những đơn vị vũ trang Việt kiều từ Lào, Campuchia, Thái Lan lần lượt về đến các tỉnh Tây Ninh, Châu Đốc, Hà Tiên và các tỉnh Khu 9 sau này, góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân và dân Nam Bộ kháng chiến.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn đã làm thất bại âm mưu "đánh nhanh, giải quyết nhanh", kìm chân địch hơn một tháng ở nội thành, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta có khoảng thời gian quý giá để chuẩn bị kháng chiến khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra Nam Bộ, Nam Trung Bộ và cả nước.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

 

Người đăng: Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Admin- Content