ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN VỀ LAO ĐỘNG NỮ

Ngày đăng :24/11/2017

Lao động nữ chiếm tỉ lệ lớn trong nguồn lao động xã hội, đặc biệt trong các ngành nghề như: Nuôi dạy trẻ, y, tế, may mặc, thương mại, chế biến thực phẩm…

Lao động nữ có nhiều đặc thù (vừa là lao động vừa là mẹ và chăm sóc gia đình) đòi hỏi pháp luật phải có những quy định riêng nhằm đảm bảo quyền làm việc và quyền bình đẳng giới của phụ nữ, tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện tốt  chức năng lao động và chức năng làm mẹ, chăm sóc và nuôi dạy thế hệ trẻ.

Các quy định dành riêng cho lao động nữ được quy định tại Chương X Bộ luật lao động năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013 và Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủquy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2015.

1.Chính sách đối với lao động nữ

Theo quy định tại Điều 153 Bộ luật lao động (BLLĐ) năm 2012 và Điều 5 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP thì  Nhà nước đảm bảo quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ.

Không chỉ có vậy, Nhà nước còn luôn khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên và có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ.

2. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ

Theo quy định tại Điều 154 BLLĐ năm 2012 và Điều 4 Nghị định số 85/2015/NĐ-CP thì NSDLĐ khi sử dụng lao động nữ phải tuân theo một số nghĩa vụ sau đây: 

-  Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.

-  Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc;

-  Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.

Như vậy: Căn cứ điều kiện cụ thể, NSDLĐ xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ. 

3. Chế độ làm việc, chế độ thai sản của lao động nữ

Theo quy định tại Điều 155 BLLĐ năm 2012 và các văn bản bản hướng dẫn thi hàn, NSDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa trong trường hợp: (i) lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7, hoặc (ii) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương. NSDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi..

 Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút,  tối thiểu là 03 ngày trong một tháng; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ.

Tại Điều 157 BLLĐ năm 2012 quy định “lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.”. Trong thời gian nghỉ thai sản, các chế độ áp dụng đối với lao động nữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó, chế độ hưởng nguyên lương là quan trọng nhất, đảm bảo quyền lợi về mặt vật chất cho NLĐ nữ.

Hết thời gian nghỉ thai sản 06 tháng, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với NSDLĐ. Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 157 BLLĐ năm 2012 quy định: “trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”.

4. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

Tại Điều 156 BLLĐ năm 2012 quy định:  Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy các quy định của pháp luật lao động Việt Nam về bảo vệ lao động nữ hiện nay là khá đầy đủ. Tuy nhiên, để các chính sách mới nêu trên thực sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả gười sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ pháp luật lao động đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, trong quá trình thực hiện có điều bất cập cần kiến nghị với Nhà nước để sửa đổi.

Người lao động nữ cũng cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật lao động, một mặt để đóng góp xây dựng doanh nghiệp mặt khác tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị xâm phạm./.

 

                                                                 Hội Luật gia quận Thủ Đức

http://www.thuduc.hochiminhcity.gov.vn/chuyen-muc/de-cuong-tuyen-truyen-ve-lao-dong-nu-c5043-1335.aspx

Người đăng: