Tuyên truyền phòng bệnh phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết và Zika

Ngày đăng :05/11/2016

I. Thông điệp truyền hình phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết và Zika

Xem video

II. CỘNG ĐỒNG CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

        Tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2016, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 trường hợp tử vong, riêng 20 tỉnh thành khu vực phía nam đã ghi nhận 29.835 ca mắc, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2015 và 12 trường hợp tử vong.
      Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ tuần 26 năm 2016 (cuối tháng 6) số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện hàng tuần bắt đầu tăng dần cho đến nay theo chu kỳ mùa mưa hàng năm. Tính đến tuần 32 năm 2016, toàn thành có 9.588 ca bệnh, cao hơn 50% so với số ca bệnh cùng kỳ năm 2015 (6.399 ca). Phân tích theo tháng cho thấy, tháng 6 năm 2016 có 527 ca và tháng 7 có 875 ca, tăng hơn tháng 6 là 348 ca bệnh. Tuy nhiên, so với tháng 6 năm 2015 thì số ca trong tháng 6 năm 2016 giảm 10% và tháng 7 năm 2016 có số ca giảm 13% so với cùng kỳ năm 2015. Có 03 ca tử vong trong đó 1 trường hợp tử vong ở Bình Định nhưng có lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm 2015 (02 ca).
      Phân tích tình hình trên cho thấy bệnh sốt xuất huyết đang tăng theo mùa mưa trong năm và bắt đầu bước vào mùa dịch năm 2016-2017. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang điểm soát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên nếu không có những giải pháp triệt để, kịp thời, hiệu quả thì số ca mắc bệnh có thể tăng vọt trong thời gian tới và có khả năng xảy ra nhiều trường hợp tử vong khác.
      Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai việc kiểm soát các điểm nguy cơ và vùng nguy cơ ở tất cả 24 Quận/Huyện. Đồng thời phối hợp truyền thông vận động người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng; các địa phương triển khai mạnh, hiệu quả các đội diệt lăng quăng; tổ chức giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh và tổ chức xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, Y tế Quận/Huyện tham mưu UBND Quận/Huyện tiếp tục thực hiện Chỉ thị 14/CT-UBND, ngày 11/8/2015 của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường công tác phòng, chống SXH.
      Tuy nhiên, để các biện pháp can thiệp có hiệu quả, người dân cần phối hợp với Y tế và chính quyền, ban ngành địa phương trong các hoạt động phun hóa chất xử lý dịch, kiểm soát-xử lý điểm nguy cơ, vùng nguy cơ. Và hơn nữa, để chủ động phòng chống bệnh SXH, cộng đồng (bao gồm hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, ký túc xá, khu vui chơi, khu công nghiệp, nhà trọ …) phải tích cực thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt bằng những biện pháp cụ thể như sau:

      + Mỗi tuần hãy tìm và loại trừ lăng quăng bằng cách:
        - Đậy kín các vật trữ nước.

        - Mỗi tuần súc rửa và thay nước vật chứa nước đang sử dụng, bình hoa…

       - Bỏ muối vào chân chén, dĩa kê chậu cây cảnh để diệt lăng quăng.

        - Loại bỏ các vật phế thải: cho vào thùng rác có nắp đậy các chai, lọ, hộp…; Thu gom và tiêu hủy các vật phế thải khác ở xung quanh ngoài nhà.

      + Mỗi ngày chủ động diệt muỗi: bằng bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy bắt muỗi …

      + Mỗi người tránh muỗi đốt cả ngày lẫn đêm:

        - Thoa kem chống muỗi đốt.
       - Sử dụng nhang muỗi đặt gần cửa để muỗi không bay vào hoặc đặt ở gần nơi làm việc và có nhiều muỗi.

        - Mặc áo tay dài, quần dài, khổ rộng, màu sáng lúc muỗi hoạt động nhiều lúc sáng sớm và chiều tối hay khi ra ngoài sân vườn.

        - Ngủ mùng cả đêm lẫn ngày.

       - Sử dụng cửa lưới ngăn muỗi từ ngoài bay vào; nếu có sử dụng máy điều hòa thì thường xuyên đóng cửa phòng.

 Mọi người, mọi nhà chủ động phòng tránh muỗi đốt - diệt muỗi - diệt lăng quăng để phòng bệnh do vi rút Zika và bệnh Sốt xuất huyết, bảo vệ sức khoẻ mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng.

Người đăng: Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Admin- Content