LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ THỦ ĐỨC

Ngày đăng :03/03/2016

           Cách đây 30 năm, vào ngày 31/10/1985, Trung tâm dạy nghề Huyện Thủ Đức ra đời theo Quyết định số 972/QĐ-UB của UBND Huyện Thủ Đức, trung tâm tọa lạc trên diện tích gần 20.000 m2 đặt tại Thị trấn Thủ Đức, nay là phường Linh Chiểu, Quận Thủ Đức; đây là một trong những đơn vị dạy nghề của thành phố được thành lập sớm nhất nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề, bồi dưỡng kỹ năng cho lao động trong Quận và Thành phố.

           Song với cấu trúc cơ sở cũ đã xuống cấp, lại xây dựng không phù hợp cho giáo dục đào tạo, việc triển khai các nhiệm vụ đào tạo gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, năm 1995, Trung tâm đã được Huyện Thủ Đức đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học (1470m2) và 1080m2 nhà xưởng. Trong những năm 90, trang thiết bị dạy nghề từng bước được bổ sung cho 3 phòng thực hành điện công nghiệp, 1 phòng thực hành điện lạnh, 4 phòng thực hành điện tử, 2 phòng sửa xe gắn máy, 1 phòng dạy sửa máy may và 1 phòng dạy may công nghiệp, 2 phòng đào tạo tin học.

           Mặc dù trang thiết bị bước đầu còn nhiều thiếu thốn, trung tâm đã chủ động khai thác thiết bị, đẩy mạnh tự tạo thiết bị dạy nghề, vượt qua nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư, thiếu trang thiết bị thực hành và nhà xưởng… để từng bước ổn định hoạt động và nâng dần chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật.

           Ngày 01/04/1997, Huyện Thủ Đức được chia tách thành ba Quận: Quận Thủ Đức, Quận 9, Quận 2. Do vậy, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề Quận Thủ Đức vào năm 1997 theo Quyết định số 749/QĐ-UB ngày 16/12/1997 của UBND Quận Thủ Đức. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận Thủ Đức nhiệm kỳ II (2000 – 2005) đồng thời với đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Quận đến năm 2020; ngày 16/9/2002 Trung tâm đã có Tờ trình số 1109/UB-TTDN về việc “Cải tạo nâng cấp Trung tâm Dạy nghề Thủ Đức thành Trường Công nhân Kỹ thuật Quận Thủ Đức” được UBND Quận Thủ Đức chấp thuận và trình UBND Thành phố và Sở Lao động TBXH phê duyệt. Đến ngày 14/3/2003, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 961/QĐ-UB thành lập Trường Kỹ thuật Công nghiệp Thủ Đức; tiếp đến ngày 17/02/2004 Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng cải tạo Trường Kỹ thuật Công nghiệp Thủ Đức” (Quyết định số 612/QĐ-UB ngày 17/2/2004 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh) với tổng mức đầu tư: 34 tỷ 779 triệu đồng (Ba mươi bốn tỷ bảy trăm bảy mươi chín triệu đồng).

           Dự án cải tạo, xây dựng mới trường được khởi công ngày 06/03/2006 và dự kiến thời gian xây dựng là 12 tháng, phải bàn giao toàn bộ mặt bằng để đảm bảo tiến độ xây dựng nhưng trường vẫn phải đảm bảo hoạt động liên tục. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đến cuối năm 2008 phần xây dựng mới được hoàn thành, nên trong khoảng thời gian hai năm (2006 – 2008) trường hoạt động trong môi trường và điều kiện hết sức khó khăn như: do quá trình xây dựng, làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động dạy nghề của trường; bộ máy tổ chức quản lý điều hành, công tác nhân sự phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu của trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo luật Dạy nghề có hiệu lực từ ngày 01/6/2007. Nhưng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường nổ lực phấn đấu vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Với kết quả đó, ngày 09/8/2007 UBND Thành Phố đã ban hành Quyết định số 3603/QĐ-UB thành lập Trường Trung cấp nghề Thủ Đức trực thuộc UBND Quận Thủ với chức năng nhiệm vụ và mục tiêu:

          - Dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, phát triển dạy nghề gắn chặt với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và định hướng phát triển của Quận và Thành phố.

          - Tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp ở cả các cấp trình độ đào tạo của trường: Trung cấp, sơ cấp và thường xuyên đáp ứng nhu cầu đa dạng và nâng cao khả năng phục vụ cộng đồng, góp phần đắc lực vào công cuộc Xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, trong đó tập trung phát triển những nghề mới có nhu cầu lớn đáp ứng yêu cầu phát triển của Quận, Thành phố.

          - Liên kết hợp tác với các trường, cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo.

          - Hợp tác nghiên cứu khoa học về dạy nghề, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ dạy nghề tiên tiến để nâng cao chất lượng dạy nghề.

           Nhìn lại 30 năm qua, nhà trường chúng ta có thể tự hào với những kết quả đạt được, thể hiện qua các mặt:

           1/ Trước hết, về cơ sở vật chất, trang thiết bị: của nhà trường đã được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy, học lý thuyết và thực hành cho 1500 -  2000 học sinh sinh viên các trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng nghề.

           - Cho đến nay, với tổng diện tích đất gần 20.000 m2, diện tích xây dựng các công trình: 5.055,94 m2, gồm có 30 xưởng thực tập cho các nghề và 24 phòng lý thuyết đáp ứng qui mô đào tạo theo từng ngành nghề: gồm 8 nghề trình độ trung cấp và các nghề trình độ sơ cấp. Trong đó có 2 nghề Điện công nghiệp và Điện tử công nghiệp được duyệt là nghề trọng điểm cấp độ quốc gia theo Quyết định số 826 và 854/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

           Năm 2006, nhà trường đã được triển khai thực hiện dự án xây dựng cải tạo trường và được hoàn thành duyệt quyết toán năm 2012 với tổng kinh phí là 33.354.983.000 (Ba mươi ba tỉ ba trăm năm mươi bốn triệu chín trăm tám mươi ba ngàn đồng).

           Trong đó, gồm có:

           - Chi phí xây dựng là      : 18.451.714.000 đ.

           - Chi phí thiết bị             : 13.080.501.000 đ.

           - Chi phí khác                 : 1.822.768.000 đ.

           Trong các năm 2012-2015, trường tiếp tục được đầu tư trang thiết bị để đào tạo với tổng vốn đầu tư 7.115.001.684 đ. Nguồn vốn này từ chương trình mục tiêu quốc gia “Dự án đổi mới phát triển dạy nghề” chương trình mục tiêu quốc gia là 6.000.000.000 đ và từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tại đơn vị là 115.001.684 đ, tập trung đầu tư cho 02 ngành: Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp; Đồng thời, nguồn ngân sách Quận đã hỗ trợ 1 tỷ đồng cho đầu tư trang thiết bị ngành cơ khí.

           Ngoài ra, nhà trường còn dùng nguồn kinh phí phát triển của đơn vị để đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị với tổng kinh phí là: 1.176.777.200 đ.

           2/ Thứ hai, về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đó là nhân tố quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo và đảm bảo sự thành công trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường:

           Nếu như vào những năm mới thành lập Trung tâm dạy nghề số lượng nhân sự của trường vào khoảng 10 người thì đến thời điểm hiện nay, đội ngũ CBGVNV của trường không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng với tổng số CBGVNV là 83 người, trong đó có 14 người có trình độ Thạc sỹ và 16 người đang theo học Thạc sỹ (chiếm tỷ lệ trên 30%), ngoài ra, trường còn thường xuyên thỉnh giảng hơn 20 giáo viên thỉnh giảng ở các bộ môn. Nhiều giáo viên của trường đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên dạy nghề, thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp Thành phố và toàn quốc; đã góp phần khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống các trường dạy nghề của Thành phố.

           3/ Thứ ba, về đào tạo và tuyển sinh hàng năm:

           Trong những năm qua nhà trường chúng ta tập trung thực hiện nguyên lý và phương châm đào tạo “Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp”; thực hiện tốt công tác liên kết liên thông trong đào tạo trình độ cao đẳng và Đại học, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo thực tập và giải quyết việc làm cho học sinh. Trên nền tảng các cơ sở đó, trong thời gian qua toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, kết quả công tác tuyển sinh trình độ trung cấp qua các năm trường thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch do UBND Thành phố và UBND Quận giao, và trường được công nhận là 1 trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác tuyển sinh trình độ trung cấp với quy mô tuyển sinh từ 650 – 800 học sinh/năm.

           * Về công tác tuyển sinh:

           Từ năm 2010 đến nay, trường đã thực hiện đào tạo nguồn nhân lực:

           + Trình độ sơ cấp nghề tuyển sinh được: 60.398 học viên.

           + Trình độ trung cấp nghề tuyển sinh được: 5.769 học sinh.

           + Trình độ cao đẳng nghề (từ 2012 đến nay): liên kết với các trường Cao đẳng đào tạo được: 684 sinh viên.

           + Hệ đại học: liên kết với trường Đại học công nghệ Đồng Nai đào tạo được 74 sinh viên.

           Qua quá trình học tập, kết quả tốt nghiệp của học sinh đạt tủ lệ cao (trên 72%); điều đó đã khẳng định thêm về chất lượng đào tạo của nhà trường đã có bước phát triển. Nhiều học sinh của trường đã có công việc, cuộc sống ổn định và thành đạt với nghề nghiệp đã chọn.

           Đánh giá một cách tổng quát, có thể nói rằng 30 năm qua, trường chúng ta đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về nội lực, nhà trường đã có bước phát triển lớn mạnh về qui mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, chất lượng đội ngũ các bộ, giáo viên. Trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 2013).

           Những kết quả trường đạt được là sự đóng góp to lớn của tập thể CBGVNV của trường qua các thời kỳ, trường trân trọng tri ân các vị nguyên là lãnh đạo của trường qua các thời kỳ như sau:

  1. Thầy Nguyễn Quang Võ – GĐ TTDN
  2. Thầy Vũ Đường Lệ - PGĐ TTDN
  3. Thầy Nguyễn Thanh Bạch – GĐ TTDN
  4. Cô Cao Thị Quý - PGĐ TTDN
  5. Thầy Hoàng Công Trước – GĐ TTDN
  6. Thầy Lê Phục Hưng – PGĐ TTDN, Quyền GĐ TTDN
  7. Thầy Trần Văn Hai – GĐ TTDN, HT trường KTCNTĐ, HT trường TCNTĐ
  8. Thầy Tạ Quang Sinh – PHT trường TCNTĐ
  9. Cô Nguyễn Thị Kim Hai – PHT trường TCNTĐ

           Và quý thầy/ cô là cán bộ đã nghỉ hưu của trường: Cô Võ Kim Hà, Cô Trần Thị Mộng Loan, Cô Đoàn Thị Phụng, Cô Lê Thị Phúc Hiền.

           Qua quá trình 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển của, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố; thực trạng công tác dạy nghề và nhu cầu đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại TPHCM, việc nâng cấp trường Trung cấp nghề Thủ Đức thành trường cao đẳng nghề Thủ Đức là một quá trình phát triển hợp lý và rất cần thiết trong sự nghiệp đào tạo nghề, góp phần nâng cao quy mô đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật-công nghệ cao. Từ năm 2014, Chi bộ, BGH trường đã xin ý kiến lãnh đạo Quận Ủy và UBND Quận triển khai kế hoạch xây dựng đề án thành lập trường Cao đẳng nghề Thủ Đức trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp nghề Thủ Đức. Đến ngày 26/6/2015, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập trường Cao đẳng nghề Thủ Đức và UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4629/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2015 về Ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức quản lý Trường Cao đẳng nghề Thủ Đức. Đây là bước ngoặc quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường trong suốt 30 năm qua. Đồng thời, khẳng định sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường đã đi đúng hướng, phát triển không ngừng, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển và hội nhập.

           Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường luôn tập trung thực hiện 3 nguyên lý của quá trình đào tạo “Học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”, trường Trung cấp nghề Thủ Đức trước đây, nay là trường Cao đẳng nghề Thủ Đức đã trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có uy tín và từng bước tạo được thương hiệu trên địa bàn Thành phố nói riêng và khu vực nói chung. Sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường như là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của lớp lớp các thế hệ thầy và trò. Nhà trường mãi mãi ghi nhớ công lao và đóng góp to lớn của cán bộ, nhà giáo, các cựu học sinh sinh viên bằng những việc làm và tâm huyết của mình đã dệt nên những trang sử truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Thế hệ ngày nay đã và đang kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo và sáng tạo hơn nữa để xây dựng trường Cao đẳng nghề Thủ Đức từng bước trở thành trường chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; Đồng thời, nhà trường sẽ có các giải pháp phù hợp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X và Nghị quyết Đảng bộ Quận lần thứ V (nhiệm kỳ 2015-2020), trong đó tập trung góp phần thực hiện chương trình đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là một trong 7 chương trình đột phá của Thành phố trong giai đoạn 2015-2020.

           Một số hình ảnh của trường qua các thhời kỳ:

                             

           Một số hình ảnh của buổi lễ:

Người đăng: Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Admin- Content