Kỷ niệm 72 năm Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2017): Những ngày đầu oanh liệt, bất khuất của Nam bộ kháng chiến anh hùng

Ngày đăng :27/09/2017

Vào 70 năm trước, vào những ngày này cả ngày cũng như đêm người dân Nam bộ vừa mới hưởng độc lập, tự do 28 ngày đã phải lao vào cuộc kháng chiến – Đó là cuộc kháng chiến mà Bác Hồ đã nói “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” của đất Nam bộ Thành đồng – đi trước về sau.

Xử lý nhanh, bình tĩnh để không mắc mưu kẻ thù

Trước đó, ngay trong ngày nhân dân Sài Gòn giành độc lập, 02/9/1945, nhân dân Nam Bộ đã nghe lời cảnh báo của người đứng đầu Xứ ủy và Lâm ủy Hành chánh Nam bộ Trần Văn Gíàu trong diễn văn đọc trước đó mấy tiếng đồng hồ - đó là thực dân Pháp đang “toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên hai mươi lăm triệu đồng bào”. Ba ngày sau, trong cuộc mít tinh tổ chức tại rạp Nguyễn Văn Hảo tối ngày 5/9, ông Trần Văn Giàu một lần nữa kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam phải sẵn sàng đối phó để bảo tồn nền độc lập”, đồng thời khuyên: “Anh em phải bình tĩnh chung quanh Chính phủ; chúng ta phải tỏ cho người ngoại quốc biết rằng chúng ta có tinh thần đoàn kết”. Để đối phó với dã tâm của địch, việc đầu tiên là phải thống nhất và kiện toàn lực lượng. Tối 7/9/1945, tại trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ (số 72, đường La Grandière), ông Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh, thay mặt Trung ương, chủ trì một hội nghị có đại biểu các đoàn thể thuộc Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng dự. Sau 5 giờ thảo luận, các đại biểu quyết định dẹp mọi hiểu lầm, nghi kỵ, thống nhất các đoàn thể của Xứ ủy trong Ủy ban Việt Minh Nam Bộ, để đoàn kết đi vào kháng chiến”.

“Để mở rộng cơ sở chính trị của chính quyền cách mạng, ngày 10/9/1945, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ được cải tổ thành Ủy ban Nhân dân Nam Bộ gồm 13 thành viên, do Luật sư, tiến sĩ Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm Phó Chủ tịch kiêm ủy trưởng Quân sự. Bên cạnh Ủy ban Nhân dân Nam Bộ còn có Ban Cố vấn gồm khoảng 50 nhân sĩ trí thức do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm Trưởng ban.

Việc thành lập các lực lượng vũ trang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu lúc này. Đồng chí Nguyễn Lưu được giao tổ chức Lực lượng công nhân xung phong Nam Bộ gồm 360 tổ. Vào đêm 4/9, các chiến sĩ thuộc lực lượng này đã tổ chức lễ tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc tại trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ. Ở các quận, tổng trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn,  các đảng bộ hay chi bộ địa phương thành lập các đơn vị bộ đội mang tên các địa phương hay tên người chỉ huy.([1])

Lúc này, người Anh đã làm điều mà Lâm ủy hành chánh Nam Bộ đã dự đoán đúng, đó là ngày 6/9/1945, lính Anh đến Sài Gòn theo nghị quyết của Hội nghị Potsdam và người Anh đã hỗ trợ cho lính Pháp hòng tái chiếm Nam bộ. Ủy ban nhân dân Nam Bộ đề nghị Phái bộ Anh đóng ở Dinh toàn quyền cũ, nhưng họ không chịu (trong thâm ý, họ muốn dành Dinh toàn quyền cũ cho Cédile và sau này cho d’Argenlieu). Do đó, Ủy ban phải dời trụ sở về Tòa Đốc lý. Ngày 13/9, Chính phủ trung ương đã gửi điện phản đối, xem hành động của Phái bộ Anh là vi phạm chủ quyền độc lập của Việt Nam.

Ngày 11/9, tướng Anh là Gracey đến Sài Gòn. Tuy Hội nghị Potsdam chỉ giao cho Phái bộ quân sự Anh nhiệm vụ giải giới và hồi hương quân Nhật, song tướng Gracey lại đưa ra một loạt biện pháp nhằm giúp Pháp tái chiếm Nam Bộ. Ông ra lệnh cho đóng cửa tất cả các báo tiếng Việt (nhưng vẫn cho phép báo chí và đài phát thanh của Pháp tiếp tục hoạt động bình thường), cấm người Việt Nam tụ họp hay biểu tình, mang vũ khí, đòi Ủy ban nhân dân Nam Bộ phải giao cho Anh cảng Sài Gòn, kho bom Thị Nghè, xưởng Ba Son, Khám Lớn Sài Gòn, các bót cảnh sát...  ở khu vực trung tâm thành phố, ra lệnh giới nghiêm từ 9 giờ 30 tối đến 5 giờ 30 sáng, sau đó ban bố tình trạng quân luật, giao cho hàng binh Nhật nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự.

Mặt khác, khi tướng Anh Gracey cho trao thả 1.400 lính Pháp (bị Nhật bắt giam tại trại lính LèRIC từ ngày đảo chính (9/3/1945), cho trang bị súng ống số lính này và các Pháp kiều ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 13/9, một đại đội lính Pháp (thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5- LèRic) mặc quân phục Anh, trà trộn vào đội hình của Sư đoàn số 20 quân Anh-Ấn để tới Sài Gòn. Cùng ngày, Cédile đã cho kéo cờ tam tài lên trước Dinh toàn quyền cũ. Người dân Sài Gòn rất phẫn nộ, tập trung trong ngày phản đối quyết liệt.       

Như vậy ngay từ đêm 22/9/1945, một bản tin khẩn cấp được truyền đi cả nước: thực dân Pháp nổ súng khởi hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Nam Bộ. Thực ra, ngay từ chiều ngày 2 tháng 9, bọn phản động Pháp đã có thái độ khiêu khích láo xược ở Sài Gòn, chúng bắn vào đoàn người đang dự mít tinh mừng đón bản Tuyên ngôn Độc lập. Thực dân Pháp không chịu từ bỏ âm mưu trở lại nô dịch nước ta, chúng núp sau lưng quân Anh là lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16. Thực dân Anh cũng có mưu đồ thiết lập chế độ cai trị tại các thuộc địa cũ của chúng ở Đông Nam Á liền tiếp tay cho thực dân Pháp hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng ở Đông Dương, mà trước hết ở Nam bộ rồi cả Việt Nam.

Tất cả nhân dân đứng về cách mạng đi vào cuộc kháng chiến

Ngay từ ngày đầu tiên quân đội Pháp và Ấn (của Đồng Minh cử đến) kéo đến chiếm các Sở Cảnh Sát trong châu Thành, Sở mật thám Catinat, các cơ sở khác như Nhà đèn (nhà máy phát điện), Kho bạc…Ngày đầu tiên lực lượng của lực lượng cách mạng, là: “bộ đội chánh thức của quân dân ta đã được lịnh rút lui ra đóng các vùng ngoại ô, chỉ trừ một số Cộng hòa vệ binh đóng ở lại Sài Gòn và chia nhau canh gác  tại đây. Tiếp theo đó trận đánh đầu tiên diễn ra tại cầu MaMahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Q.3). Quân Pháp, Ấn chia nhau canh gác tại các đầu cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu  MaMahon, cầu Khánh Hội…” ([2])

Tại nội thành những ngày đầu kháng chiến, nhân dân Sài Gòn đã triệt để tổng đình công, không hợp tác với địch. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng chặt, chợ búa không họp. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp phố phường. Các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả, ngăn chặn không cho địch phá, giáng cho chúng những đòn đầu tiên ác liệt. Chỉ trong trận mở đầu ở Tân Định, ta đã diệt gần 200 tên. Kế hoạch dự tính bình định Nam Bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Quân dân Sài Gòn được sự chi viện của các tỉnh Nam Bộ đã tiến hành chiến tranh du kích, bảo vệ từng căn nhà ngõ phố, giam chân địch suốt một tháng trời. Cuộc kháng chiến đã lan rộng và đưa lại lòng quyết tâm của nhân dân các tỉnh Nam bộ. Những tin tức đầu tiên về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc. Phong trào Nam tiến xuất hiện khắp nơi. Các chi đội giải phóng quân được thành lập, ra đi với quyết tâm cứu nước, khí thế bừng bừng.

Đến giữa tháng 10/1945, chiến tranh lan rộng khắp vùng đồng bằng Nam bộ: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá và mở ra đến các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân dân ta. Ngày 25 tháng 10, hội nghị toàn xứ của Đảng bộ Nam Kỳ đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh. Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn vừa thoát khỏi nhà tù Côn Đảo đã tới họp. Một tháng sau, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là “củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, tập trung cuộc đấu tranh vào “kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược”

 Để chuẩn bị và chủ động cho cuộc kháng chiến, lúc này các lực lượng vũ trang đã được Xứ ủy chuẩn bị, như; “ở Gò Vấp, Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa... có các đơn vị bộ đội  do các chỉ huy: Tô Ký, Huỳnh Văn Một, Cao Đức Luốc, Huỳnh Tấn Chùa, Nguyễn Văn Bứa, Nguyễn Thược, Lê Văn Dọn, Nguyễn Minh Sanh, Phan Văn Ngói, Trần Văn Bằng, Nguyễn Bá Bội, Nguyễn Văn Bàu, Nguyễn Văn Sai, Nguyễn Văn Công... Ở Thủ Đức, Dĩ An, Hàng Xanh... còn có các đơn vị bộ đội Đào Sơn Tây, Hứa Văn Yến, Trần Thắng Minh, Võ Văn Mỹ, Thái Văn Lung, Triệu Cải, Nguyễn Đình Thâu, Nguyễn Văn Dương, Trần Cao Vân, Hoàng Mạnh, Nguyễn Văn Dung, Trần Đình Xu”...

Ngoài ra, còn có Bộ đội Trương Văn Bang (ở Cần Giuộc), Bộ đội Hồng Sơn Đỏ (ở Cần Đước), Bộ đội Lê Văn Tưởng (ở Thủ Thừa), Bộ đội Huỳnh Văn Nghệ - Nguyễn Văn Quỳ (ở Tân Uyên, Biên Hòa), Bộ đội Trung Quận (tỉnh Chợ Lớn), “Đội quân áo nâu” (của công nhân cao su Thủ Dầu Một), “Đội quân cung tên” (gồm người dân tộc thiểu số ở Lộc Ninh...). Sau ngày Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, một số đơn vị nhỏ hợp nhất thành lực lượng lớn hơn, như Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, Giải phóng quân liên quận Trung Quận - Thủ Thừa”([3])

Như vậy, ngay tại Sài Gòn và xung quanh, trong tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, quân và dân ta đã phá hủy được 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi Pháp và nắm giữ những cây cầu lớn, tiêu diệt 300 tên địch gây chiến tranh.

Nhân dân Nam Bộ anh hùng đã thay mặt cả nước “đi trước về sau” để bước vào cuộc kháng chiến chỉ sau 3 tuần giành độc lập, và từ đây Nam bộ đã làm cho Chủ nghĩa thực dân cũ rồi thực dân mới bước đầu đi vào thất bại tại Việt Nam, kéo theo nhiều diễn biến thất bại thảm hại Chủ nghĩa thực dân cũ rồi Chủ nghĩa thực dân mới trên toàn cầu.

 

Nhân dân Nam bộ đi vào kháng chiến 23/9/1945

Thạc sĩ Phạm Bá Nhiễu


[1] - Lịch sử Nam Bộ Kháng chiến - NXB CT- QG Hà Nội 2011, trang 224-225.

[2] - Biên niên sự kiện Lịch sử Nam Bộ Kháng chiến - NXB CT- QG Hà Nội 2011, trang 26-27.

[3] - Lịch sử Nam Bộ Kháng chiến - SĐD tr 225.

Người đăng: Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Admin- Content